Networking- Những Điều Quan Trọng Nhưng Ít Người Làm Được

Networking- Những Điều Quan Trọng Nhưng Ít Người Làm Được

Trang Facebook The Tiny Pharmacist có gần 3500 người theo dõi. Trong 9 tháng qua, mỗi ngày mình nhận được ít nhất 1 message hỏi ý kiến xin lời khuyên về nhiều vấn đề khác nhau, tính rahơn 200 người đã tiếp xúc trực tiếp với mình qua trang này. Trong số đó chỉ có khoảng 15 người mình có nhơ nhớ, khoảng 10 người mình nhớ được tên, và 5 người mình đã giúp đỡ bằng nhiều cách vì ấn tượng với cách giao tiếp của họ đối với mình. Có bạn mình xem giúp resume và cover letter, một bạn mình phỏng vấn nháp (mock interview), bạn khác mình giới thiệu cách xin vào công ty thực tập và giúp liên lạc trực tiếp với đồng nghiệp, cũng như liên kết với bạn bè mình khi mình không có câu trả lời thay vì chỉ nói “mình không biết, sorry”.

Hãy tưởng tượng những người bạn muốn network cũng như mình đây. Làm sao bạn nổi bật hơn 200 người khác họ gặp, làm sao để lại ấn tượng tốt, và quan trọng nhất là tốt đến nỗi họ bỏ thời gian công sức ra giúp bạn hay muốn đưa offer mời bạn đi làm? Dưới đây là một vài đúc kết từ những lần tiếp xúc của mình với nhiều bạn trẻ qua blog để mọi người tham khảo và network hiệu quả hơn.

Giới thiệu bản thân rõ ràng- Introduce yourself  

Lịch sự tối thiểu trước khi làm quen ai là giới thiệu một vài nét về bản thân. Đặc biệt khi bạn cần lời khuyên thì phải rõ ràng cụ thể hơn nữa để người ta xem xét mà cho lời khuyên phù hợp. Nếu bạn muốn hỏi kinh nghiệm hay lời khuyên, thì hãy cho mình biết bạn là ai, hoàn cảnh thế nào, đã nghiên cứu tìm hiểu được bao nhiêu thông tin, và bạn có thắc mắc cụ thể gì. Nếu không phải xin lời khuyên, thì bạn có thể sơ lược bản thân và nêu mục đích của việc muốn làm quen này. Mỗi tương tác (interaction) giữa bạn và người đối diện là một cơ hội (opportunity) để gây ấn tượng. Đừng để mình nhạt nhẽo và đáng quên!Hello my name.jpg

Đừng ngơ ngác con nai tơ- Don’t appear clueless
  • Chị ơi, em muốn có body như chị nhưng không biết bắt đầu từ đâu, chị có thể cho em lời khuyên?
  • Thế bạn là dạng body thế nào? Bạn ăn uống ra sao? Có ý chí tập thể dục thể thao không? Bạn yêu thích môn hoạt động nào? Gia đình có điều kiện để đóng tiền gym hay mua dụng cụ không? Bạn muốn tập luyện trong bao lâu? Bạn đã tự tìm hiểu xem những người khác đã bắt đầu như thế nào chưa? Trên mạng, bạn bè, hay sách vở có lời khuyên như thế nào? Bạn muốn có body như mình rồi để làm gì?

Đó là vài câu trong một tỷ những câu hỏi mà mình sẽ hỏi ngược lại, nếu mình là chuyên viên dinh dưỡng thể hình được mướn để tư vấn cho bạn, chứ đừng nói đến một người lạ hoắc lạ hươ trên mạng không biết bạn là ai như mình đây. Thay vì nói đến chuyện tập thể hình, hãy thử nếu đó là chuyện bạn muốn du học dược ở Mỹ và thấy câu hỏi của mình vô tư đến mức khó chịu chưa? Mình đâu biết bạn là ai, hoàn cảnh thế nào, điều kiện ra sao để mà tư vấn? Đó là mình còn quan tâm nên sẽ hỏi lại. Sẽ có nhiều người chỉ ignore, không thèm trả lời gì đâu, và có thể còncó ấn tượng xấu với bạn trước cả khi có dịp trao đổi.No idea.jpg

Nhiều lúc mình trả lời nghe có vẻ khó chịu với một số bạn, thật ra mình khó chịu vì không ai dạy chúng ta biết tự tìm hiểu, không nuôi dưỡng một tâm hồn hiếu kì lành mạnh (ngược lại hiếu kì, hiểu biết dẫn đến làm xấu mặt người giảng dạy đôi khi còn phiền hơn), và thành quả lànhững người trẻ rất thụ động (passive).

Đó hoàn toàn không phải là lỗi của bạn. Nhưng một khi đã muốn đi du học, nghĩa là muốn thụ hưởng những nền giáo dục tiên tiến thì phải thay đổi ngay! Đừng dựa vào công ty tư vấn nói gì nghe đó, nằm chờ họ tìm thông tin cho mình. Bạn phải chủ động (proactive) nắm lấy cơ hội trước mắt, sử dụng tất cả những nguồn có thể để tìm hiểu.

Bạn có internet không? Có thể gõ Google tìm không? Trường bạn có thầy cô giáo để kết nối với các cựu học sinh đang đi làm không? Bạn có LinkedIn không? Nếu không thì hãy tạo, nếu có thì hãy tận dụng network đó để dò hỏi. Hãy chỉ xin lời khuyên đối với những thứ không thể tự tìm được, cũng như hỏi thăm về kinh nghiệm mà mình chưa trải qua để bổ sung kiến thức thôi nhé.

Cảm ơn và follow-up- Đừng để “Out of sight, out of mind”

Nhiều người vào hỏi đúng một câu, cũng có khi một loạt câu, rồi không buồn cảm ơn. Cũng có người mở đầu bằng “em đang muốn đi du học, gặp blog chị em mừng lắm và muốn làm quen để học hỏi” rồi sau đó bặt vô âm tín. Thật ra mình không cần mọi người làm bạn lâu dài với mình. Mình muốn chỉ ra là nếu bạn đã dành thời gian message cho người khác, họ đã dành thời gian đọc và message lại, thì ít nhất phải bỏ thêm tí công sức để nuôi dưỡng mối quan hệ này. Còn không thì bạn đã bỏ phí một đầu mối công việc hoặc một người có thể giúp bạn sau này.

Follow-Up.png

Và đó là tại sao follow up quan trọng. Nếu mình chỉ nói chuyện với bạn 1 lần, không có tí ấn tượng nào, thì khi có cơ hội gì hay cần tìm người cho công việc ở công ty làm sao mình nghĩ đến bạn? Follow up có nhiều cách. Cụ thể trong blog, có bạn khi tìm được internship báo cho mình chia vui, hoặc nhớ đến mình những dịp lễ gì đó. Người Việt Nam có câu “Xa mặt cách lòng”, như người Mỹ có câu “Out of sight, out of mind”. Nếu bạn không thỉnh thoảng xuất hiện trong trí nhớ của người khác thì đừng mong có cơ hội họ nhớ đến mình và giúp đỡ.

Khi mới bắt đầu network, việc cảm thấy ngại là bình thường. Tất nhiên bạn sẽ nghĩ là người ta bận rộn thế làm gì có thời gian hay quan tâm đến thành công của mình, mình có vẻ đang làm phiền họ, v.v. Tuy nhiên hãy nhớ, đa số khi người khác đã giúp bạn phần nào, họ sẽ cảm thấy vui khi bạn thành công. Vì vậy nên chia sẻ sự thay đổi công việc, hay thành công nhất định, để người ta chia vui cùng bạn.

networking.jpgNetworking là một điều khá thiếu tự nhiên đối với nhiều người như mình từng nhắc ở blog trước. Mình biết nó gượng gạo, đôi khi giả tạo, nhưng nếu đã quen thì nó sẽ trở thành bình thường như biết đi xe đạp. Và biết đâu bạn sẽ gặp được nhiều người thú vị, những cơ hội tốt. Nhiều người đi trước từng bảo mình: đừng hi vọng nộp đơn xin việc và được gọi phỏng vấn chỉ vìtài năng học vấn của bản thân. Cách hiệu quả nhất để tìm việc làm là qua những mối quan hệ. Mình đã tìm được intership và full-time job từ những mối quan hệ như thế nào? Mời bạn đón đọc trong phần khác  🙂

 

Tác giả: Hoàng Ngọc Bích, PharmD, RPh 

Thetinypharmacist.org



Trả lời